Dù bạn có làm bất cứ đề tài gì: luận văn hay tiểu luận nào thì cũng cần phải viết lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu đề tài. Đây là phần nêu ra cho bạn đọc thấy sự cần thiết khi tiến hành nghiên cứu đề tài. Thế mà nhiều bạn vẫn lúng túng khi không biết viết phần lý do này như nào cho hợp lý. Bài viết xin chia sẻ một mẫu lý do chọn đề tài và mục đích nghiên cứu đề tài dành cho sinh viên làm luận văn sư phạm về đề tài giáo dục: “GIÁO DỤC XÚC CẢM CHO TRẺ MẪU GIÁO 4 – 5 TUỔI QUA HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH”.
1. Mẫu lý do chọn đề tài dành cho luận văn giáo dục
Cho đến nay tồn tại nhiều học thuyết về xúc cảm. Nhưng có một nhận xét chung cho tất cả các thuyết về xúc cảm là một sự kết hợp của kích thích, sự thể hiện của khuôn mặt, hành vi, các sự kiện của môi trường, và sự diễn dịch của nhận thức.
Những thay đổi ở bất kỳ nhân tố nào trong số đó có thể sẽ thay đổi xúc cảm được trải nghiệm.
Sự hình thành xúc cảm là một một điều kiện tất yếu của sự phát triển con người như là một nhân cách. Xúc cảm có nhiều loại: xúc cảm đạo đức, xúc cảm thẩm mĩ, xúc cảm trí tuệ… Một đặc trưng của xúc cảm là có tính đối cực: yêu và ghét, ưa thích và không ưa thích, xúc động và dửng dưng… Xúc cảm như là sự rung động về một mặt nhất định của con người đối với các hiện tượng nào đó của hiện thực. Xúc cảm có đặc điểm là mang tính chất chủ quan.
Xúc cảm là cơ sở hình thành tình cảm, tình cảm là cốt lõi nhân cách con người. Chúng ta thường nói phẩm chất đạo đức là mặt quan trọng nếu không muốn nói là nền tảng của nhân cách. Trong thời đại công nghệ thông tin, tri thức, nhiều công cụ, kỹ thuật… do con người sáng tạo ra mang những chức năng “trí tuệ nhân tạo”, nhưng các công cụ, kỹ thuật này không có xúc cảm (không biết vui, buồn, tức giận, sợ hãi…) như con người. Do vậy, suy cho đến cùng, giáo dục để hình thành xúc cảm, tình cảm cho trẻ chính là xây dựng nền tảng của đạo đức, xây dựng tính người. Đó cũng là xây dựng nhân cách con người. Nếu không giáo dục xúc cảm ngay từ thời thơ ấu thì quan hệ giao tiếp xã hội chỉ còn là lí trí, trí tuệ, lạnh lùng mà thiếu đi cái nhân bản, lòng nhân ái, tính người.
Ở trường mầm non việc giáo dục xúc cảm được tiến hành dưới nhiều hình thức khác nhau và lồng ghép trong tất cả các hoạt động của trẻ như: hoạt động học tập, hoạt động vui chơi, hoạt động khám phá môi trường… Nhưng hoạt động khám phá môi trường xung quanh có nhiều cơ hội tốt hơn cả để giáo dục xúc cảm cho trẻ. Việc trẻ chơi đùa, trải nghiệm những hoạt động một cách thích thú sẽ là cơ sở để trẻ học hỏi một cách tích cực. Đời sống tình cảm của trẻ cũng được tạo nên từ những hành vi trong hoạt động đó. Trường mầm non là môi trường trường học trẻ được tiếp xúc đầu tiên, việc hình thành những xúc cảm tích cực cho trẻ, từ đó có những hành vi văn hóa đẹp ở trường mầm non là hết sức quan trọng và cần thiết. Giáo dục trẻ hình thành và phát triển những xúc cảm thông qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh ở trường mầm non, trẻ sẽ nhận thức được mối tương quan giữa mình và con người cũng như môi trường. Một mặt để trẻ thể hiện tình cảm của mình đến những người xung quanh bằng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, mặt khác là để tiếp nhận đánh giá, tình cảm của họ với chính bản thân mình. Từ đó giúp trẻ biết điều chỉnh xúc cảm cho phù hợp với hoàn cảnh xung quanh.
Xuất phát từ những căn cứ trên, đồng thời với mong muốn làm cho nguồn tư liệu về việc hình thành xúc cảm cho trẻ tại trường mầm non trở nên đa dạng, phong phú, đề tài: “GIÁO DỤC XÚC CẢM CHO TRẺ MẪU GIÁO 4 – 5 TUỔI QUA HOẠT ĐỘNG KHÁM PHÁ MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH” đã được chọn làm đề tài nghiên cứu.
Nếu bạn không có thời gian hoàn thành bài luận hay bạn mong muốn bài luận sẽ đạt được kết quả tốt hơn, hãy liên hệ đến Tri thức cộng đồng để được hỗ trợ làm luận văn thuê uy tín, chất lượng với giá cả hợp lý nhất!
2. Mẫu mục đích nghiên cứu đề tài dành cho luận văn thạc sĩ giáo dục bậc tiểu học
Làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng và đề xuất một số biện pháp giáo dục xúc cảm cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh nhằm giúp trẻ tích lũy xúc cảm và hình thành tình cảm tích cực. Từ đó, làm cơ sở để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp của trẻ với mọi người và môi trường xung quanh.
3. Khách thể và đối tượng nghiên cứu
3.1. Khách thể nghiên cứu
Quá trình giáo dục xúc cảm cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi ở trường mầm non.
3.2. Đối tượng nghiên cứu
Biện pháp giáo dục xúc cảm cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh.
4. Giả thuyết khoa học
Nếu phối hợp các biện pháp giúp trẻ được thực hành, trải nghiệm xúc cảm trong quá trình khám phá môi trường xung quanh một cách nhẹ nhàng, thoải mái và hợp lý thì xúc cảm tích cực của trẻ sẽ được tích lũy tốt hơn.
5. Nhiệm vụ nghiên cứu
– Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn của đề tài: “Giáo dục xúc cảm cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh”.
– Đề xuất một số biện pháp giáo dục xúc cảm cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh.
– Thực nghiệm các biện pháp giáo dục xúc cảm cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh.
6. Phương pháp nghiên cứu
6.1. Nhóm phương pháp nghiên cứu lý luận
6.2. Nhóm phương pháp nghiên cứu thực tiễn
6.2.1. Phương pháp quan sát
Phương pháp quan sát để điều tra hiệu quả việc hình thành tình cảm tích cực cho trẻ mẫu giáo 4 – 5 tuổi, cách thức tổ chức giáo dục xúc cảm cho trẻ 4 – 5 tuổi ở trường mầm non đồng thời theo dõi quá trình khảo sát, thực nghiệm.
6.2.2. Phương pháp đàm thoại
Đàm thoại với giáo viên để tìm hiểu những khó khăn, hạn chế mà giáo viên gặp phải cũng như cách thức tổ chức việc hình thành xúc cảm tích cực cho trẻ 4 – 5 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh.
Đàm thoại với trẻ để có những điều chỉnh phù hợp trong việc tổ chức hoạt động giáo dục xúc cảm cho trẻ 4 – 5 tuổi thông qua hoạt động trải nghiệm.
6.2.3. Phương pháp điều tra
Sử dụng phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi để tìm hiểu ý kiến của giáo viên về nội dung, hình thức, biện pháp và cách thức tổ chức quá trình giáo dục xúc cảm cho trẻ 4 – 5 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh. Đồng thời tìm hiểu những hạn chế trong việc thực hiện quá trình giáo dục này ở trường mầm non.
6.2.4. Phương pháp thực nghiệm sư phạm
Áp dụng các biện pháp đã đề xuất trong việc giáo dục xúc cảm cho trẻ 4 – 5 tuổi thông qua hoạt động khám phá môi trường xung quanh nhằm kiểm nghiệm tính khả thi của các biện pháp đã đề ra tại một số trường mầm non trên địa bàn thành phố Nam Định.
6.3. Nhóm phương pháp thống kê toán học
Nhằm thu thập, xử lý các số liệu trong quá trình nghiên cứu và tổng kết, thống kê số liệu điều tra thực trạng.