Cơn bốc hoả: khó chịu thường gặp ở phụ nữ!










Cơn bốc hoả là cảm giác nóng đột ngột ở nửa trên cơ thể, thường dữ dội nhất ở mặt, cổ và ngực. Trong cơn, vùng da trên cơ thể có thể đỏ lên, đặc biệt là ở mặt. Cơn bốc hoả cũng có thể gây đổ mồ hôi. Nếu bị mất nhiệt quá nhiều, người bị bốc hoả có thể cảm thấy lạnh run sau đó. Thường thì những lần đổ mồ hôi ban đêm chính là những cơn bốc hoả. Những cơn diễn ra ban đêm có thể gián đoạn giấc ngủ.




Mặc dù có thể do nhiều bệnh lý gây ra, nguyên nhân thường gặp nhất của cơn bốc hoả là do mãn kinh. Trên thực tế, bốc hoả là triệu chứng phổ biến nhất của giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh ở người phụ nữ.




Có nhiều phương pháp điều trị những cơn bốc hoả này và giúp giảm đi khó chịu.







Người bị cơn bốc hoả có thể có những dấu hiệu sau:




  • Cảm giác nóng đột ngột, lan toả khắp ngực, cổ và mặt
  • Làn da đỏ bừng
  • Nhịp tim nhanh
  • Đổ mồ hôi, chủ yếu ở phần trên cơ thể
  • Cảm giác ớn lạnh khi cơn bốc hoả đã dịu đi
  • Bồn chồn








Tần suất và cường độ các cơn bốc hoả khác nhau giữa mỗi phụ nữ. Cơn bốc hoả có thể nhẹ hoặc dữ dội đến mức gián đoán sinh hoạt hằng ngày. Chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào vào ban ngày hoặc ban đêm. Cơn bốc hoả vào ban đêm (đổ mồ hôi đêm hay đổ mồ hôi trộm) có thể đánh thức phụ nữ khỏi giấc ngủ và khó quay lại giấc ngủ trong thời gian dài.




Tần suất xảy ra khác nhau tuỳ từng người, nhưng ghi nhận bốc hoả diễn ra mỗi ngày ở hầu hết phụ nữ. Trung bình, các cơn bốc hoả diễn ra trong hơn 7 năm. Một số ít phụ nữ có thể kéo dài đến hơn 10 năm.







Các cơn bốc hoả xuất hiện do sự thay đổi nồng độ hormone trước, trong và sau thời kỳ mãn kinh. Hiện chưa biết chính xác vì sao tình trạng thay đổi nội tiết tố lại gây ra cơn bốc hoả. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng các cơn bốc hoả xảy ra khi lượng estrogen giảm xuống. Khi hormone này giảm, bộ điều khiển nhiệt độ cơ thể (ở vùng dưới đồi) trở nên nhạy cảm hơn với những thay đổi nhỏ trong nhiệt độ cơ thể. Khi vùng dưới đồi “nghĩ rằng” cơ thể đang quá ấm, nó sẽ kích hoạt một chuỗi các quá trình để hạ nhiệt cho cơ thể, gây ra một cơn bốc hoả.




Hiếm khi những nguyên nhân khác ngoài mãn kinh gây ra cơn bốc hoả và đổ mồ hôi ban đêm. Các nguyên nhân hiếm gặp hơn gồm tác dụng phụ của thuốc, bất thường tuyến giáp, một số bệnh ung thư và tác dụng phụ trong quá trình điều trị ung thư.







Không phải tất cả phụ nữ khi trải qua thời kỳ mãn kinh đều bị bốc hoả. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị bốc hoả gồm:




  • Hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc thường dễ bị bốc hoả hơn.
  • Chủng tộc. Phụ nữ da đen dễ bị bốc hoả hơn phụ nữ những chủng tộc khác. Các cơn bốc hoả ít xuất hiện nhất ở những phụ nữ châu Á.













Cơn bốc hoả có thể ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và giảm chất lượng cuộc sống. Cơn bốc hoả vào ban đêm có thể gián đoạn giấc ngủ; và theo thời gian, chất lượng giấc ngủ sẽ bị ảnh hưởng lâu dài.




Nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thường xuyên bị bốc hoả có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương nhiều hơn những phụ nữ khác.

Bạn đã hiểu hết về những nỗi lo của Phụ nữ trong giai đoạn Tiền Mãn Kinh? Tìm hiểu ngay qua bài viết: Tiền mãn kinh: Nỗi lo âu của người phụ nữ 







Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên miêu tả về cơn bốc hoả. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để kiểm tra xem người đó có đang trong giai đoạn chuyển sang mãn kinh hay không.




Trong điều trị, phương pháp hiệu quả nhất để giảm khó chịu do cơn bốc hoả là sử dụng estrogen. Nhưng phương pháp này có thể mang lại nhiều tác dụng phụ. Nếu một người đã bắt đầu sử dụng estrogen trong vòng 10 năm từ kỳ kinh cuối hoặc trước 60 tuổi, thì khi đó estrogen có thể mang lại nhiều lợi ích hơn là tác hại.




Những thuốc như thuốc chống co giật cũng có thể giúp giảm các cơn bốc hoả. Nhưng những thuốc này kém hiệu quả hơn so với hormone.







Liệu pháp hormone




Estrogen là loại hormone chủ yếu được sử dụng để giảm các cơn bốc hoả. Hầu hết những phụ nữ đã cắt bỏ tử cung có thể sử dụng estrogen đơn thuần. Tuy nhiên nếu vẫn còn tử cung, phụ nữ nên dùng progesterone cùng với estrogen để bảo vệ khỏi ung thư nội mạc tử cung.










Dù sử dụng hormone nào, liều lượng đều nên được điều chỉnh để phù hợp mỗi người. Các khuyến cáo đề nghị sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả để kiểm soát triệu chứng. Thời gian điều trị bao lâu tuỳ thuộc vào tương quan giữa lợi ích và tác lại liệu pháp hormone. Mục tiêu cuối cùng của điều trị là nâng cao chất lượng sống của người đó.







Nếu trước đây từng bị hoặc có nguy cơ bị ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung; bệnh tim mạch, đột quỵ hoặc huyết khối, hãy trao đổi với bác sĩ liệu có nên sử dụng liệu pháp estrogen hay không.




Thuốc chống trầm cảm




Paroxetine liều thấp là phương pháp không hormone duy nhất được FDA chấp thuận trong điều trị bốc hoả. Ngoài ra, những thuốc như Venlafaxine, Citalopram, Escitalopram cũng có thể được dùng trong điều trị. Những thuốc này kém hiệu quả hơn liệu pháp hormone nhưng có thể hữu ích khi phụ nữ không thể sử dụng hormone. Các tác dụng phụ có thể gặp gồm buồn nôn, khó ngủ hoặc dễ buồn ngủ; tăng cân, khô miệng và rối loạn chức năng tình dục.




Những nhóm thuốc khác




Những loại thuốc có thể giúp giảm đau cho một số phụ nữ như:




  • Gabapentin. Đây là một thuốc chống co giật có hiệu quả tương đối trong việc giảm các cơn bốc hoả. Tác dụng phụ gồm buồn ngủ, chóng mặt, phù chi và mệt mỏi.
  • Pregabalin. Đây cũng là một thuốc chống co giật giúp giảm các cơn bốc hoả. Tác dụng phụ khi dùng thuốc này gồm chóng mặt, buồn ngủ, khó tập trung và tăng cân.
  • Oxybutynin. Thuốc này gồm dạng viên hoặc miếng dán. Thuốc vốn được dùng để điều trị các vấn đề tiết niệu như bàng quang tăng hoạt. Nó cũng có tác dụng làm dịu cơn bốc hoả ở một số phụ nữ. Tác dụng phụ gồm khô miệng, khô mắt, táo bón, buồn nôn và chóng mặt.
  • Clonidine. Thuốc này cũng có dạng viên hoặc miếng dán. Tác dụng gồm điều trị tăng huyết áp và có thể giảm cơn bốc hoả. Tác dụng phụ có thể gặp như chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng và táo bón.







Nếu cơn bốc hoả ít gây khó chịu, bạn có thể thử những cách sau:




  • Giữ mát. Nhiệt độ cơ thể tăng có thể gây ra các cơn bốc hoả. Có thể cởi bớt lớp quần áo bên ngoài khi đã cảm thấy đủ ấm.
  • Tránh một số thức ăn, nước uống. Những thức ăn cay và nóng hay đồ uống chứa caffein và rượu có thể gây ra cơn bốc hoả. Hãy để ý món gì gây ra cơn bốc hoả và tránh những thứ đó.
  • Thư giãn. Một số phụ nữ cảm thấy cơn bốc hoả giảm đi nhờ thiền; thở chậm và sâu hoặc các kỹ thuật giúp giảm căng thẳng khác. Dù những cách này không giúp giảm cơn bốc hoả thì chúng cũng giúp bạn giảm rối loạn giấc ngủ vốn thường xuất hiện trong thời kỳ mãn kinh.
  • Giảm cân. Với những ai bị thừa cân hay béo phì, việc giảm cân có thể giúp làm dịu cơn bốc hoả.













Nhiều phụ nữ đã thử các liệu pháp tâm lý và thực phẩm chức năng để hạn chế các cơn bốc hoả.




  • Ngày càng nhiều các nghiên cứu chứng minh những phương pháp như liệu pháp nhân thức – hành vi (CBT), thôi miên, thiền và châm cứu có thể giúp làm dịu cơn bốc hoả. Một số phương pháp như CBT và thiền giúp giảm mức độ cơn bốc hoả; trong khi thôi miên và châm cứu có thể vừa giảm mức độ, vừa giảm tần suất xuất hiện cơn.
  • Các thực phẩm chức năng có thể giảm triệu chứng thời kỳ mãn kinh gồm: estrogen nguồn gốc thực vật, cây thiên ma (black cohosh), nhân sâm và vitamin E. Tuy nhiên, trước khi sử dụng những sản phẩm này, bạn nên trao đổi với bác sĩ vì chúng không phải lúc nào cũng an toàn và đôi khi tương tác với một số thuốc đang dùng.