2023-05-29 10:43:46
Đối với người bệnh trĩ, vận động đúng cách là rất quan trọng bởi có thể làm ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Trong đó, người bệnh thường có thắc mắc rằng: Bị bệnh trĩ có nên chạy bộ không? Có ảnh hưởng tới trĩ không? Những câu hỏi này sẽ được giải đáp ngay trong bài viết này.
I - Có nên chạy bộ khi bị bệnh trĩ hay không?
Chạy bộ đúng cách sẽ không ảnh hưởng tới bệnh trĩ, không làm cho bệnh tiến triển xấu đi. Ngược lại, đây là hình thức vận động tốt cho người bệnh trĩ. Cụ thể một số tác dụng tích cực của chạy bộ đến bệnh trĩ như sau:
- Tăng cường lưu thông máu, giảm tắc nghẽn tĩnh mạch hậu môn: Việc vận động vùng chân sẽ cải thiện tuần hoàn máu đến vùng hậu môn, giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn. Nhờ đó, khắc phục triệu chứng của bệnh trĩ (đau rát hậu môn).
- Giảm cân nặng, giảm áp lực lên trực tràng hậu môn: Chạy bộ giúp đốt cháy năng lượng, từ đó giảm trọng lượng cơ thể hiệu quả và giảm gánh nặng áp lực lên vùng hậu môn trực tràng. Do vậy, giúp cải thiện tình trạng bệnh trĩ.
- Kích thích nhu động ruột, tăng cường chức năng tiêu hóa: Hình thức vận động này giúp tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và làm giảm chứng táo bón. Đồng thời cũng ngăn ngừa bệnh trĩ tiến triển xấu đi.
- Giảm căng thẳng, stress quá mức, hạn chế táo bón: Táo bón là nguyên nhân chính gây ra bệnh trĩ và căng thẳng là một trong những thủ phạm gây táo bón. Việc chạy bộ đúng cách sẽ giúp tinh thần thoải mái, giảm thiểu stress.
Tuy nhiên, không nên chạy quá nhanh mạnh, với cường độ quá nhiều vì có thể làm gia tăng áp lực quá mức lên vùng tĩnh mạch trực tràng hậu môn và khiến bệnh nặng hơn.
II – Làm thế nào để chạy bộ an toàn khi bị trĩ?
Để chạy bộ an toàn, bạn cần thực hiện một số biện pháp trước, trong và sau khi chạy bộ. Cụ thể như sau:
1. Mặc quần áo thoáng mát
Trước khi chạy bộ, hãy lựa chọn những trang phục thích hợp, nên là quần áo thoáng mát với chất liệu dễ thấm hút mồ hôi. Ngoài ra, không nên mặc quần áo bó sát vì sẽ làm tăng áp lực lên vùng tĩnh mạch gần hậu môn.
2. Kỹ thuật thở đúng cách
Các chuyên gia khuyến cáo rằng nên thở bằng bụng trong quá trình chạy bộ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và giúp chúng ta có thể nạp thêm nhiều không khí hơn, nhờ đó mà cơ thể cũng đỡ mệt hơn khi chạy bộ.
Cách thở bằng bụng khi chạy bộ như sau:
- Đầu tiên, bạn hãy hít vào bằng mũi cho đến khi cảm nhận được khoang bụng chứa đầy không khí.
- Sau đó ép cơ bụng và thở ra từ từ.
- Thời gian thở ra cần nhiều hơn là khi chúng ta hít vào.
3. Giữ nước
Trong khi đang chạy bộ, bạn có thể uống nước nhưng với từng ngụm nhỏ để tránh cơ thể bị mệt mỏi, thiếu nước. Nếu bạn chạy bộ trong ngày hè nóng nực, bạn có thể tăng lượng nước bổ sung trong khi chạy lên để bù đắp lượng nước đã mất.
Chú ý: Trước khi chạy bộ khoảng 2 tiếng, bạn có thể bổ sung một chút nước (khoảng 300-400ml) để tránh mất nước trong quá trình chạy. Tuy nhiên, không nên uống nước nhiều ngay trước khi chạy bộ vì có thể làm xóc bụng, ảnh hưởng đến quá trình chạy.
Ngoài ra, sau khi chạy bạn cũng có thể bổ sung thêm nước nhưng không được uống quá nhiều nước cùng một lúc. Mỗi lần bổ sung nước, nên uống một lượng nước nhỏ (khoảng 400 – 500ml) để tránh gây hại cho sức khỏe.
4. Vệ sinh và tắm rửa sau khi chạy bộ
Sau khi đã chạy bộ xong, bạn đừng quên vệ sinh và tắm rửa sạch sẽ toàn bộ cơ thể, vùng hậu môn để tránh vi khuẩn hoặc vi sinh vật có thể xâm nhập và gây viêm nhiễm búi trĩ hoặc hậu môn.
III – Những lưu ý khi chạy bộ cho người bị bệnh trĩ
- Chỉ chạy bộ trong 30 phút: Thời gian chạy bộ nên là từ 30 phút đến 1 tiếng trong mỗi lần chạy, một tuần chạy khoảng 3-4 lần. Không nên chạy nhiều quá sức hoặc chạy với cường độ mạnh (chạy đua, chạy địa hình) vì có thể làm cho bệnh trĩ tiến triển xấu đi.
- Chạy bộ với tinh thần thư thái: Trong suốt quá trình chạy bộ, người bệnh không nên suy nghĩ nhiều làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động thể chất. Thay vào đó, hãy tạm quên đi những muộn phiền, thả lỏng cơ thể và tâm trí để chạy bộ.
- Tạm dừng chạy bộ khi có vấn đề bất thường: Sau một thời gian chạy bộ, nếu bạn thấy gặp phải những vấn đề bất thường, chẳng hạn như đau hậu môn tăng lên, búi trĩ lớn hơn trước thì bạn nên tạm dừng chạy và hỏi ý kiến của bác sĩ.